Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) nhận định, do tác động của Brexit, nên nhiều khả năng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và đi vào thực thi mà không có nước Anh.
Một góc dây chuyền sản xuất gỗ dăm xuất khẩu. Ảnh: Thế Lập–TTXVN
Tại hội thảo "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, cơ hội và thách thức" được tổ chức ngày 5/8 tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) nhận định, do tác động của Brexit, nên nhiều khả năng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và đi vào thực thi mà không có nước Anh.
Theo ông Quân, sự kiện Brexit có thể dẫn đến hệ lụy trong quan hệ quốc tế là nhiều vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước sẽ tăng cao, áp dụng những hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Mặt khác, việc Anh thực hiện rời khỏi EU còn dẫn đến sự hạn chế về tự do lưu thông hàng hóa, giảm giá đồng Euro...
Đối với Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu vào EU qua cửa ngõ nước Anh chiếm khoảng 20%, riêng một số mặt hàng như đồ gỗ chiếm gần 60%.
Do đó, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào EU cần lưu ý khả năng EU sẽ chỉ còn 27 nước, và Anh là một trong ba thị trường lớn tại EU sẽ phát sinh nhiều thách thức hơn trong thời gian tới.
Hiện tại 28 nước thành viên EU đã phê chuẩn hiệp định hợp tác và đối tác. Các thủ tục còn lại là Hội đồng châu Âu thông qua kết quả phê chuẩn của Nghị viện châu Âu và các nước thành viên.
Do đó, Việt Nam và EU sắp có khuôn khổ hợp tác mới và toàn diện, EVFTA đang được hoàn thiện thủ tục ký kết.
Hai bên cũng đang đàm phán Hiệp định tự nguyện đối với đồ gỗ (VPA), tuy nhiên tiến trình còn nhiều vấn đề khi cách tiếp cận của EU rất khắt khe.
Tuy nhiên, EU là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật cao với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... cần đáp ứng tốt các yêu cầu tiếp cận thị trường.
Đặc biệt, khi EVFTA có hiệu lực, với cơ hội về thuế và tiếp cận thị trường, nhưng nếu không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật thì hàng hóa của Việt Nam sẽ không xuất khẩu vào được EU dù có lợi thế FTA.
Đối với thị trường EU, Việt Nam đang được hưởng Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đầy đủ giai đoạn 2017 - 2019.
Trong khi đó, đến nay một số đối thủ của Việt Nam cũng đã trưởng thành. Nên đây là thời gian cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tiếp cận thị trường EU; trong đó, tập trung phát triển xuất khẩu theo chiều rộng và sâu; kết hợp sản phẩm sơ chế và chế biến, giảm dần nhóm nguyên liệu thô.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, Việt Nam cần tập trung phát triển thương mại với những nền kinh tế mang tính bổ sung và EU là một đối tác đầy tiềm năng.
Ông Lê Kỳ Anh, Cán bộ phụ trách thương mại và kinh tế, Phái đoàn thường trực EU tại Việt Nam nhấn mạnh, EU luôn được xác định là một trong những thị trường xuất khẩu chiến lược, đồng thời là khu vực nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thị trường EU có hơn 500 triệu dân, GDP đứng thứ 2 thế giới và chiếm 22% GDP thế giới.
Tổng ngoại thương đạt 4.500 tỷ USD, kể cả nội khối là 8.000 tỷ USD. EU cũng là khu vực đứng đầu về xuất khẩu dịch vụ, đầu tư chiếm 37% FDI toàn thế giới.
EU là thị trường xuất khẩu chiếm khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, tính bổ sung giữa thị trường Việt Nam và EU thể hiện rõ rệt ở hoạt động xuất nhập khẩu.
Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu vào EU các mặt hàng hải sản, cà phê, dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện thoại...
Đồng thời, nhập khẩu từ EU gồm: máy móc, nguyên phụ liệu dệt may, tân dược, sắt thép, phân bón...
Tính 5 tháng năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt 17,3 tỷ USD, tăng 10,53% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 13,3 tỷ USD, tăng 10,5%; còn nhập khẩu từ EU là 4 tỷ USD, tăng 9,8%./.
Theo Bnews
- Xanh hóa và câu chuyện phát triển của ngành bột giấy Quảng Ngãi30-09-2022
- Nhiều sản phẩm, giải pháp ấn tượng tại Triển lãm ngành công nghiệp Đóng gói Bao bì và In ấn30-09-2022
- Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đồng hành hiệu quả cùng doanh nghiệp vượt khó30-09-2022
- Viet Nam Paper Day 2022: Kết nối doanh nghiệp ngành giấy và bột giấy phát triển bền vững30-09-2022